Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Mãi, Hiệu trường nhà trường cho biết, trong 10 qua, Trường đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo với 14 ngành, nghề và liên kết đào tạo mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin cho tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều thế hệ HSSV của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã kịp thời bổ sung nhân lực cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và ở các tỉnh trong khu vực. Hầu hết HSSV của trường đã gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp và được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về phẩm chất, năng lực nghề.
Hiện có trên 90% diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và các Đoàn nghệ thuật của các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình; nhiều người trở thành cán bộ quản lý chủ chốt, nhà biên đạo có tiếng tại các Nhà hát, các Trung tâm Văn hóa, Phòng Văn hóa Thông tin và các đơn vị hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế…; phần lớn đội ngũ cán bộ văn hóa phường, xã trên địa bàn tỉnh đều được đào tạo tại trường đã và đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa ở cơ sở.
Lực lượng diễn viên, nhạc công do Trường đào tạo luôn được xem là lực lượng chủ đạo trong các chương trình lễ hội, tạo nên thành công của các kỳ Festival Huế và Festival nghề thủ công truyền thống Huế hàng năm, góp phần nâng cao vị thế bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam, tạo tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước.
Thực hiện đề án Đưa di sản Nghệ thuật Ca Huế vào trường học, Trường đã tổ chức các lớp tập huấn Hát Ca Huế cho đội ngũ Giáo viên âm nhạc các trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai các mô hình Câu lạc bộ Ca Huế trong các trường học, lồng ghép dạy hát Ca Huế vào các giờ dạy môn âm nhạc và các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ. Đến nay Đề án đã kết thúc giai đoạn, đạt được những kết quả tích cực, góp phần gìn giữ, bảo tồn Ca Huế trên địa bàn.
Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Trường không ngừng hoàn thiện và phát triển về cả đội ngũ lẫn ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, cung cấp lực lượng lao động chính cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà và các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, góp phần làm tốt công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể thế giới và quốc gia như Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Huế, Tuồng - Múa hát Cung đình Huế.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, trong bối cảnh chung của các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật, Trường vẫn còn những khó khăn. Số lượng tuyển sinh không đều ở các năm và các ngành đào tạo. Một số ngành như ngành Tuồng và Thư viện nhiều năm liền không tuyển được thí sinh do hạn chế về đầu ra. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Khánh Hùng, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo trong Trường, thể hiện bằng những thành tích đạt được trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn. Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường đã phát huy vai trò của đơn vị đào tạo ngành nghề nghệ thuật truyền thống, di sản, nhất là Nghệ thuật Biểu diễn Ca Kịch Huế, Nhạc công truyền thống Huế và Tuồng - Múa hát Cung đình Huế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực bổ sung vào lực lượng làm công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thu Hà