Tại hội thảo, qua nội dung cung cấp của các nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu đã cơ bản thống nhất về vị trí, vai trò của Hóc Mụ Bồi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là con đường huyết mạch quan trọng từ hậu cứ về đồng bằng và ngược lại từ đồng bằng lên núi. Một số đơn vị chủ lực của tỉnh đã về đây hoạt động, tác chiến như K4, K10, các đơn vị của huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Thành ủy Huế… cùng các lực lượng vũ trang, du kích địa phương. Địa điểm Hóc Mụ Bồi là nơi tập kết lương thực, vũ khí và là nơi dừng chân của các chiến sĩ.
Trong cuộc kháng chiến, phía địch đã bố trí lực lượng, tổ chức nhiều đợt phục kích tại Hóc Mụ Bồi, Đồi Lệ... nhằm ngăn chặn, tiêu diệt các đơn vị vũ trang của ta về đồng bằng hoạt động và thu mua lương thực, làm cho lực lượng quân ta tổn thất, hy sinh to lớn.
Thông qua hội thảo, các ý kiến đóng góp của nhân chứng, của các nhà nghiên cứu là tài liệu mang tính lịch sử khoa học, làm cơ sở cho việc lập hồ sơ di tích trình UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng địa điểm Hóc Mụ Bồi là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh. Đồng thời, qua hội thảo tranh thủ các ý kiến của các cơ quan, ban ngành, các nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử… để xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc xây dựng đền tưởng niệm tại địa điểm Hóc Mụ Bồi trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngọc Hiếu